Quần thể lăng tẩm triều đại Joseon

Đặc trưng

Lăng tẩm triều đại Joseon, khu vườn của các vị thần

Quần thể lăng tẩm triều đại Joseon là di tích bảo tồn nguyên vẹn lăng mộ của các nhà vua và hoàng hậu trong suốt hơn 500 năm của triều đại Joseon. Đây là quần thể duy nhất trên thế giới còn giữ gìn hoàn hảo trạng thái lăng tẩm hoàng gia của cả một triều đại. Toàn bộ 40 lăng mộ thờ 25 đời vua, hoàng hậu và vương tử, vương phi của triều đại Joseon (không tính hai lăng thuộc địa phận Bắc Triều Tiên) đều được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Nguyên tắc xây lăng mộ triều đại Joseon

    Lăng mộ hoàng gia được xây dựng theo các tiêu chuẩn Nho giáo và phong thủy. Trước tiên, vị trí xây lăng điển hình phải là nơi bối sơn lâm thủy - phía sau dựa núi, phía trước có nước chảy, và cách biệt với xung quanh bởi những dãy núi xa xa. Phần lớn lăng tẩm có vị trí ở xung quanh thành Hanyang (Hán Dương), nay là thủ đô Seoul, để thuận tiện cho các vua đến viếng trong ngày.

  • Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Cấu trúc của lăng mộ triều đại Joseon

    Lăng mộ hoàng gia Joseon có ba không gian cơ bản là không gian dẫn nhập (miếu thờ, hồ sen, cầu Geumcheon (Kim Xuyên)); không gian dâng lễ cho người đã khuất (cửa Hongsal (Hồng Tiễn), gác Jeongja (Đinh Tự), phòng Subok (Thủ Bộc); và không gian thờ người đã khuất (khu đặt bia, khu lăng tẩm). Qua cầu Geumcheon, cầu nối giữa không gian thế tục và linh thiêng, sẽ là cổng Hongsal và trước cổng này có đường Chamdo (Tham đạo). Đường này được chia ra thành “thần đạo” là đường dành cho các vị vua đã băng hà và đường “ngự đạo” dành cho các vị vua đương thời. Phía trước mộ bao giờ cũng có các kiến trúc bia đá, tượng đá với nhiều hình thù và kích thước khác nhau.

    • ① Cửa Hongsal (Hồng Tiễn)
    • ② Gác Jeongja (Đinh Tự)
    • ③ Phòng Subok (Thủ Bộc)
    • ④ Gian bếp hoàng cung Suragan
    • ⑤ Chamdo (Tham đạo)
    • ⑥ Tượng đá quan văn
    • ⑦ Tượng đá quan võ
    • ⑧ Đèn Jangmyeong (Trường Minh) - loại đèn luôn được thắp sáng, chủ yếu dùng cho việc thờ cúng, đặt trước ngôi mộ
    • ⑨ Nấm mồ đất hình tròn

Sách Uigwe (Nghi Quỹ) về nghi thức tang lễ hoàng gia

Uigwe (Nghi Quỹ) là cuốn sách ghi chép các nghi thức hoàng gia triều đại Joseon. Tài liệu này có lưu rõ những thông tin liên quan đến lăng mộ Joseon như lý do chọn địa điểm xây lăng, kinh phí hay nguyên vật liệu cần để xây lăng, thời gian tang lễ kéo dài bao lâu. Bên cạnh tài liệu chữ viết, sách còn minh họa bằng hình vẽ cụ thể nên các nghi thức tang lễ từ rất lâu đời và phức tạp vẫn được bảo tồn và duy trì nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.

Nguồn: Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc

Nguồn: Sách Uigwe (Nghi Quỹ) về nghi thức tán lễ vua Sukjong (Túc Tông)

Sangneungjerye (Tế lễ sơn lăng)

Sangneungjerye (Tế lễ sơn lăng) là một trong những nghi thức thờ cúng các đời vua và hoàng hậu đã mất của triều đại Joseon, là biểu tượng cho chữ Trung và chữ Hiếu trong Nho giáo.
Đây đã từng là nghi lễ quốc gia trong suốt gần 600 năm của triều đại Joseon. Sau khi triều đại này kết thúc, tế lễ sơn lăng hiện được một tổ chức của dòng họ Yi gốc Jeonju (hậu duệ của các vị vua triều đại Joseon) mang tên Jeonju Yissi Daedongjongyakwon (Đại đồng tông ước viện) duy trì và bảo tồn.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Close