Phần 3: Jongmyo (Tông Miếu)

Vào ngày 6 tháng 12 năm 1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Jongmyo (Tông Miếu), tọa lạc tại cố đô Seoul, với lịch sử 600 năm, là di sản văn hóa thế giới.

Jongmyo (Tông Miếu) là ngôi đền thờ bài vị các bậc đế vương và hoàng hậu trong vương triều Joseon, đóng vai trò là cội nguồn lịch sử trong suốt 500 năm của triều đại Joseon.

- Này Sambong, ta đã chọn Hanyang làm kinh đô, đã đến lúc phải rời đô nhưng quả là nhiều việc quá, nào là xây nhà, đắp thành. Ta nên làm từ đâu bây giờ?
- Thưa bệ hạ, để quốc gia vững mạnh thì ngoài xây dựng cung điện còn phải lập đàn tế lễ Sajik (Xã tắc) dâng lên thần Lúa và thần Đất. Bên cạnh đó còn phải lập Tông Miếu để thờ bài vị tổ tiên.
- Tại sao lại cần làm vậy?
- Cung điện thể hiện cho bách tính thấy sự tôn nghiêm của quốc gia, đàn tế lễ Sajik là nơi cầu nguyện cho cuộc sống ấm no, thanh bình của muôn dân. Trong khi đó, điện thờ Jongmyo sẽ là biểu tượng cho nền tảng chính trị lấy Nho giáo làm gốc của triều đại Joseon.
- Quả là đúng. Khi nhìn thấy nhà vua thành tâm với tổ tiên thì bách tính cũng sẽ xem trọng chữ hiếu. Đây sẽ trở thành những chuẩn mực về nghi lễ và qui tắc Nho giáo của triều đại Joseon ta.

Goryeo bị diệt vong, Thái Tổ Yi Seong-gye lập nên triều đại mới là Joseon và dùng Nho giáo làm nền tảng thống trị đất nước.
Nho giáo quy định chữ “Lễ” là một trong những đạo lý cơ bản mà con người phải giữ gìn, và việc thờ cúng tổ tiên chính là một trong những hành động điển hình thể hiện chữ Lễ.
Chính vì vậy mà sau khi chọn Hanyang (Hán Dương) là kinh thành của triều đại Joseon vào năm 1394, vua Thái tổ đã quyết định xây dựng Jongmyo trước tiên tại thủ đô mới.

Từ Jongmyo là ghép từ chữ “Jong” (Tông), nghĩa là “chủ yếu, chính yếu” và “myo” (Miếu), nghĩa là “từ đường”. Jongmyo là từ đường quan trọng nhất của quốc gia, là nơi thờ bài vị của các vị vua và hoàng hậu triều đại Joseon.
Kiến trúc của Tông Miếu mang vẻ trang trọng, uy nghi nhằm làm nổi bật sứ mệnh lưu truyền văn hóa tế lễ tôn nghiêm của triều đại Joseon, và là tấm gương của muôn dân về chữ Hiếu.



Khi bước vào khuôn viên rộng 186,786m2 của Tông Miếu, ta sẽ bắt gặp con đường đá có ba lối đi, gọi là Samdo (Tam đạo), dành cho các linh hồn tổ tiên hoàng tộc, vua và thái tử.

Nếu cung điện là nơi ngự của nhà vua để cai quản đất nước thì Tông Miếu là nơi nghỉ ngơi của linh hồn các vị vua và hoàng hậu của các triều đại trước, nên vua và thái tử không đi lối giữa mà phải bước theo lối đi hai bên. Khu vực Jeongjeon (Chính điện) là nơi thờ bài vị các vua có cấu trúc được đơn giản tối đa, mái ngói cũng không sơn nhiều màu theo kiểu kiến trúc Dancheong thường thấy ở các cung điện. Tuy nhiên, tổng chiều dài của Chính điện lên tới 101m, là công trình kiến trúc bằng gỗ dài nhất trên thế giới.

Jongmyo được hoàn thành lần đầu tiên vào năm 1395 với bảy gian trong Chính điện dành để thờ bài vị của tứ đại Thái tổ.
Sau đó, các đời vua Joseon lần lượt nối tiếp nhau cơi nới không gian điện thờ. Đến năm 1836, Tông Miếu đã có tổng cộng 19 gian và thờ 49 bài vị của các bậc đế vương.
Yeongnyeongjeon (Điện Vĩnh Ninh) được thành lập vào năm 1421 là nơi đặt bào vị của 34 vị vua chúa và hoàng phi không được đặt bài vị tại Chính điện.

Có thể nói, Tông Miếu là thần điện của vương triều Joseon và các nghi lễ thờ cúng tổ tiên vẫn được tiến hành tại đây cho đến tận ngày nay.
- Tế lễ Tông Miếu là nghi lễ quốc gia lớn nhất được lưu truyền và giữ gìn qua hơn 600 năm của vương triều Joseon. Những nghi lễ đón linh hồn tổ tiên về ngự, dâng cúng lên tổ tiên, tiễn đưa linh hồn tổ tiên đều phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt. Xin mọi người hãy chuyên tâm chú ý! Ông đã chuẩn bị đồ cúng hết chưa?
- Vâng, mọi thứ đã sẵn sàng theo tiêu chuẩn một mâm cúng dâng lên bài vị của nhà vua và hoàng hậu cần tới 114 đồ đựng, chén bằng đồng 66 chiếc, chén bằng tre 13 chiếc, chén bằng gỗ 14 chiếc, chén gốm 2 chiếc. Tôi đã chuẩn bị tất cả 24 loại đồ đựng, không thiếu thứ nào.



Jongmyo Jerye (Tế lễ Tông Miếu) do đích thân nhà vua tham dự từ thời đại Joseon vẫn tiếp tục được tái hiện trong đời sống hiện đại ngày nay. Jongmyo (Tông Miếu) là địa điểm duy nhất trên thế giới duy trì nghi lễ cúng tế trong suốt một thời gian dài và liên tục. Vào năm 2001, Tế lễ Tông Miếu và Jongmyo Jeryeak (Nhạc tế lễ Tông Miếu) được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với sứ mệnh là nơi yên nghỉ của các triều đại vua Joseon, Jongmyo (Tông Miếu) được vinh danh là thần điện Parthenon của châu Á. Đây là không gian văn hóa, nghi lễ lâu đời nhất trên thế giới, là nhịp cầu nối kết quá khứ 500 năm của triều đại Joseon với hơi thở của đời sống ngày nay.

Close