Phần 7: Di tích mộ đá ở huyện Gochang, Hwasun và Ganghwa

Năm 2000, di tích mộ đá ở huyện Gochang (tỉnh Bắc Jeolla), huyện Hwasun (tỉnh Nam Jeolla), huyện Ganghwa (thành phố Incheon) được xếp vào hàng ngũ di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) do ba địa điểm này bảo tồn được 40% di tích mộ đá trên toàn thế giới.
Mộ đá phiên âm theo tiếng Hàn là Goindol, nghĩa là “đá được chống lên”. Do cần rất nhiều người chung sức mới có thể dựng những phiến đá khổng lồ này, hầu hết mộ đá đều được cho là mộ của tầng lớp thống trị, phản ánh quá trình phân cấp xã hội bắt đầu hình thành trong thời đại đồ đồng.

Trên thế giới có khoảng 70.000 ngôi mộ đá và chỉ tính riêng ở Hàn Quốc đã phát hiện được hơn 30.000 mộ. Những ngôi mộ đá có từ 1.000 năm trước Công nguyên tại Hàn Quốc được phân bố ở ven biển phía Tây, biển phía Nam và xung quanh những nhánh sông lớn. Trong số đó, các mộ đá ở huyện Gochang, Hwasun và Ganghwa được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới bởi đây là những di tích mộ đá quan trọng, phản ánh rõ nét quá trình hình thành và phát triển của những ngôi mộ đá cổ.
Mộ đá ở Gochang là khu di tích có giá trị nổi bật, với đủ ba loại hình dạng. Mộ đá tiêu biểu là mộ hình bàn có tảng đá to đặt trên hai trụ đá; Mộ hình bàn cờ vây có kiến trúc phía dưới là hầm mộ, bên trên phủ nền đá và trên cùng là phiến đá phẳng; và mộ hình phản có tảng đá lớn phủ lên hầm mộ dưới lòng đất.

- Chà, nhìn phiến đá chắn lớn thế này thì chắc hẳn đây là dạng mộ hình bàn, bên dưới có hai cột đá trụ to.
- Thưa giáo sư! Ở đây cũng có mộ đá. Mộ đá được phân bố thành hai hàng, dọc theo hướng chảy của suối Gochang đấy ạ!
- Phát hiện một loạt các ngôi mộ cổ ở thôn Sanggap, huyện Gochang!! Chúng ta đang có cơ hội quý giá được nghiên cứu kỹ thuật và xã hội của thời đại đồ đồng đây!
- Cô Kim này! Ngôi mộ kia cũng là dạng mộ hình bàn phải không?
- Thưa giáo sư, em thấy những ngôi mộ này có hình dạng khác nhau. Một bên là mộ có phiến đá che lớn, bên dưới là bốn trụ đá; còn một bên là dạng phiến đá phẳng lớn phủ ngay lên trên hầm mộ.

Di tích mộ đá ở huyện Gochang được khai quật lần đầu tiên vào năm 1965 với ba ngôi mộ đá. Càng về sau, số mộ đá được phát hiện ngày một nhiều hơn và đến nay ước tính có hơn 2.000 ngôi mộ phân bố tại khu vực này. Trong số này, 447 ngôi mộ được công nhận là di sản văn hóa thế giới, là bằng chứng khẳng định Gochang là nơi tập trung số lượng mộ đá dày đặc với hình dạng phong phú nhất trên thế giới.

Nếu như Gochang có 447 ngôi mộ đá nằm rải rác trên phạm vi 1,8 km thì huyện Hwasun thuộc tỉnh Nam Jeolla có hơn 500 ngôi mộ nằm dọc theo quãng đường dài 10 km.
- Suối Jiseok chảy qua đồng bằng bát ngát, mà thật kỳ lạ là có rất nhiều mộ đá tập trung tại khu vực thung lũng, chỉ cách suối chưa đầy 2 km.
- Đặc biệt hơn là những mộ này vẫn giữ được nguyên vẹn hình dạng ban đầu cách đây 3.000 năm đấy ạ.
- Quả thật là diệu kỳ! Đây đúng là kho báu của Hwasun.

Di tích mộ đá Hwasun được phát hiện lần đầu vào năm 1995. Do nằm tại khu vực khó tiếp cận nên các ngôi mộ đá ở đây vẫn duy trì được trạng thái khá nguyên vẹn.
Đặc biệt, tại vùng Hwasun, các nhà khảo cổ học còn phát hiện bãi đá, là hiện trường phản ánh quá trình khai thác đá rất hiếm gặp tại các khu di tích mộ đá khác trên thế giới. Những phiến đá to, phẳng làm mái che được tách gọt theo những khoảng cách nhất định dọc theo thớ các vách đá. Người ta còn phát hiện ra những phiến đá có kích thước hoàn toàn trùng khớp với vết tích bị xẻ trên vách đá. Cùng với các ngôi mộ cổ, đây cũng chính là di tích quan trọng giúp ta hình dung được quá trình khai thác đá để dựng mộ của người tiền sử.

Di tích mộ đá huyện Ganghwa, thuộc thành phố Incheon, là nơi lưu giữ hơn 130 ngôi mộ nằm xung quanh núi Goryeo. Nơi này thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học do những ngôi mộ cổ được bố trí trên địa hình cao từ 250m đến 350m so với mực nước biển, cao hơn hẳn so với các khu di tích mộ cổ ở những vùng khác.
- Thầy Choi có thấy không? Mộ đá ở thôn Gocheon, huyện Ganghwa nằm ở độ cao 280m so với mực nước biển. Việc di chuyển những phiến đá khổng lồ với chiều dài 3,35m, cao 2,47m lên tận vùng núi cao này là cách mà tộc trưởng ngày xưa phô trương sức mạnh của mình.
- Tôi cũng đồng ý với ý kiến của giáo sư cho rằng mộ đá là biểu tượng cho quyền lực của người xưa. Ở thôn Bugeun cũng thuộc Ganghwa còn có phiến đá che nặng 80 tấn, dài 7m, cần 500 thanh niên trai tráng cùng dồn sức mới có thể di chuyển được. Tuy nhiên bên trong ngôi mộ này lại không hề chứa đồ táng. Bởi vậy mà chúng ta không thể loại trừ phương án đây là ngôi mộ được dựng nên để thực hiện các nghi thức cúng lễ.

Mỗi khu di tích mộ đá ở Hàn Quốc đều mang dấu ấn riêng: Gochang được gọi là thánh địa của mộ đá cổ; Hwasun là bảo tàng khổng lồ về văn hóa mộ đá; còn Ganghwa là nơi có nhiều vết tích về mục đích xây mộ, phương pháp khai thác và đưa những phiến đá khổng lồ lên tận đỉnh núi cao.

Di tích mộ đá cổ của Hàn Quốc chính là chìa khóa quan trọng giúp nhân loại tìm hiểu về thời đại đồ đồng, rất lâu trước sự xuất hiện của các loại sử ký.

Close