Phần 8: Hệ thống ống dung nham và đảo núi lửa Jeju

Jeju là địa danh đầu tiên của Hàn Quốc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2007.
Jeju được ghi nhận trong danh sách của UNESCO với tên gọi “Hệ thống ống dung nham và đảo núi lửa Jeju”, bao gồm khu bảo hộ thiên nhiên núi Halla với địa hình núi lửa độc đáo, đỉnh Mặt trời mọc Seongsan và hệ thống ống dung nham Geomun Oreum.
Di sản thiên nhiên thế giới là những khu vực có cảnh quan nổi bật hoặc có giá trị đặc biệt về mặt địa chất, sinh thái. UNESCO công nhận “Hệ thống ống dung nham và đảo núi lửa Jeju” là Di sản thiên nhiên thế giới bởi ở Jeju có nhiều ngọn núi lửa ký sinh và hang động nham thạch có quy mô tầm cỡ thế giới, hình thành một cách tự nhiên và vẫn được bảo tồn nguyên dạng.

"Cụ bà Seolmundae, con gái Cheonjiwang, vị thần sáng lập nên trời đất, muốn mở đất giữa cõi mênh mang đại hải. Cụ đã đào đất dưới đáy biển để tạo nên đảo Jeju. Khi cụ dùng vạt váy chứa đất để đắp núi Halla, những đụn đất văng ra tứ phía tạo nên những ngọn núi lửa nhỏ Oreum nhấp nhô khắp đảo Jeju."

Thần thoại “Cụ bà Seolmundae” kể về nguồn gốc hình thành đảo Jeju đã hình tượng hóa quá trình tạo nên những cột magma từ dưới đáy đại dương và hàng loạt những ngọn núi lửa phun trào từ cách đây 1.800.000 năm.

Thật không sai khi gọi Jeju là một bảo tàng núi lửa. Jeju có tới 360 ngọn núi lửa ký sinh lớn nhỏ khác nhau được gọi là “Oreum” theo tiếng địa phương, và 160 hang nham thạch dưới lòng đất rải rác khắp nơi quanh đảo. Trong số đó, Halla là ngọn núi lửa tiêu biểu nhất và là biểu tượng của đảo Jeju.

"Ở trung tâm vương quốc Tamna (Đam La) có đỉnh núi cao vượt hẳn so với các ngọn núi khác, tưởng chừng như đứng trên đỉnh núi là có thể vươn tay nắm được dải ngân hà. Bởi thế mà núi mới có tên gọi là Halla (Hán Noa), nghĩa là nắm giữ dòng sông Ngân trên trời."

Núi Halla nằm ở vị trí trung tâm đảo Jeju được quan phủ Yi Won-jin miêu tả trong cuốn “Tamnaji” (Đam La chí) vào năm 1653. Tamna là vương quốc trên đảo Jeju từ năm 57 trước Công nguyên đến năm 1402. Halla là ngọn núi được tạo thành từ dung nham, có chiều cao 1950m, cao thứ nhì trên bán đảo Hàn Quốc. Miệng núi lửa tạo thành hồ Baengnokdam; phía Tây dãy núi là những vách đá có hình thù kỳ dị và hơn 40 đụn Oreum. Trong hệ thống địa hình núi lửa phong phú của núi Halla, khu vực nằm ở độ cao từ 600m đến 1300m so với mực nước biển chính là khu bảo hộ thiên nhiên núi Halla, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Khu bảo hộ thiên nhiên núi Halla có thảm thực vật và các loài động vật đa dạng được phân tầng từ thấp đến cao theo từng dạng khí hậu, từ á nhiệt đới, ôn đới cho đến khi hậu hàn đới. Đây là một kho báu lộ thiên khiến cả thế giới ngưỡng mộ với các giá trị địa chất, địa hình và hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú.

Khu vực thứ hai của “Hệ thống ống dung nham và đảo núi lửa Jeju” là hệ thống dung nham hình ống Geomun Oreum, nơi chúng ta có thể hình dung được lộ trình vận động của núi lửa.
300.000 năm trước đây, núi lửa Geomun Oreum ở thôn Seonheul, xã Jocheon, đảo Jeju, hoạt động mạnh mẽ, tạo thành cửa phun trào khổng lồ và dòng nham thạch từ miệng núi chảy dài suốt 13 km ra tận biển. Tại đây có tới hơn 20 hệ thống ống nham thạch lớn nhỏ khác nhau, tiêu biểu như động nham thạch Bengtuy, động Kimnyeong. Trong số này, động nham thạch to nhất là động Manjang (Vạn Trượng).

- Các em ơi, kia là phía cuối động rồi. Hãy bước cẩn thận theo thầy để chuyến thám hiểm của chúng ta cùng kết thúc an toàn nhé!
- Thầy ơi, thầy nhìn bức tường kia đi! Rõ ràng phía này là cuối động rồi nhưng bức tường kia lại trổ lỗ ạ.
- Các em đứng chờ đây, để thầy vào xem thử!
- Thầy ơi, có gì ở đó không ạ? Thầy ơi!!!
- Các em ơi, ở đây lại có một cái động khác, rộng đến nỗi xe ô tô chạy qua được.

Động Manjang (Vạn Trượng) được giáo viên và các học sinh tiểu học phát hiện vào năm 1946 và là động nham thạch dài nhất thế giới với tổng chiều dài 7,4 km. Bên cạnh đó, động Yongcheon (Long Tuyền) được phát hiện năm 2005 cũng được đánh giá là có giá trị địa chất xuất sắc bởi tuy là động hình thành do nham thạch phun chảy nhưng bên trong lại là động đá vôi với rất nhiều nhũ đá và măng đá bao phủ. Đây được cho là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử địa chất thế giới.

Khu vực thứ ba của “Hệ thống ống dung nham và đảo núi lửa Jeju” là đỉnh Mặt trời mọc Seongsan. Khác với những ngọn núi lửa khác, Seongsan là núi lửa hình thành từ dung nham trên đáy biển nông. Được kiến tạo từ 40.000 đến 120.000 năm trước, núi Seongsan cao 182m vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu của miệng núi lửa với chiều rộng 21 héc-ta và xung quanh vách núi là lớp lớp những đụn nham thạch chất chồng lên nhau, phản ánh sống động quá trình núi lửa kiến tạo trên biển.
Đỉnh Mặt trời mọc Seongsan - Seongsan Ilchulbong còn có cảnh quan diễm lệ. Vì có dáng vẻ giống như một bức thành khổng lồ nên núi mới có tên là “Seongsan”, nghĩa là “Thành trên núi”. Cảnh quan tại đây đặc biệt hùng vĩ trong buổi bình minh và Seongsan còn có thêm danh hiệu là “Cung điện trên mặt biển”.

Khu bảo hộ thiên nhiên núi Halla với hệ thống sinh thái độc đáo hình thành xung quanh núi lửa, hệ thống ống dung nham Geomun Oreum với nhiều hang động kỳ bí được tạo nên bởi dòng nham thạch phun trào, và đỉnh Mặt trời mọc Seongsan, ngọn núi lửa hình thành ngay trên mặt biển; đây chính là ba khu vực tiêu biểu của “Hệ thống ống dung nham và đảo núi lửa Jeju”.
Hãy đến Jeju để chiêm ngưỡng Di sản thiên nhiên thế giới, khám phá quá trình hình thành núi lửa trên trái đất, và cảm nhận sức mạnh vô tận của tạo hóa.

Close